Chuyện nhảy việc, đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu trong sự nghiệp, có thể là con đường mang lại nhiều tiền tài, giúp ta tiến gần hơn đến sứ mệnh cuộc đời, và cả với chiếc ghế CEO hấp dẫn kia. Nhà kinh tế học Henry Siu nói, “Những người hay thay đổi công việc vào khoảng thời gian đầu sự nghiệp có xu hướng nhận được lương và thu nhập cao hơn trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Nhảy việc thật sự có tương quan với thu nhập cao hơn, bởi vì những người này thường tìm được công việc phù hợp hơn — phù hợp với sứ mệnh thật sự của họ.”
Và chuyện đổi việc có rất nhiều khả năng sẽ đưa bạn đến vị trí lãnh đạo: Lazear đã phân tích số lượng công việc chính của 5,000 người trong một cuộc nghiên cứu 12,500 cựu sinh viên GSB (Stanford Graduate School of Business) vào năm 1997. Trong nhóm người có 15 năm kinh nghiệm làm việc, những người từng kinh qua chỉ 2 – 3 công việc chỉ có 2% cơ hội trở thành lãnh đạo cấp cao (C-level), trong khi những người từng giữ qua ít nhất 5 vị trí lại có đến 18% cơ hội lên đỉnh.
Hóa ra chuyện thử làm nhiều thứ ngoài chuyên môn cũng có liên quan đến những thành tựu lớn. Các nhà khoa học tầm trung cũng có thể có sở thích nào đó như bất kỳ nhà khoa học có tiếng nào khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học lỗi lạc (thành viên của Hội khoa học Hoàng gia hay Học viện Khoa học Quốc gia) lại có gấp đôi khả năng sẽ có những sở thích khác. Các nhà khoa học đoạt giải Nobel thì sao? Gấp ba khả năng. Steven Johnson nhận ra điều tương tự cũng đúng với các thiên tài trong quá khứ, như Benjamin Franklin và Charles Darwin. Những người này có rất nhiều thú tiêu khiển. Việc đối mặt với thử thách trong nhiều hoàn cảnh khác nhau cho phép họ nhìn nhận mọi thứ một cách khác biệt, thách thức các giả định, và phát hiện ra những điều đột phá. Việc có rất nhiều ý tưởng khác biệt cùng va đập với nhau hóa ra lại là một trong những chìa khóa của sự sáng tạo. Điều tương tự cũng đúng với những công ty thành công. Họ không chỉ thử nghiệm những thứ mới mẻ; họ còn thường định hình lại chính mình khi con đường cũ không đi đến đâu. Youtube khởi đầu là một trang web hẹn hò. eBay đâu tiên chỉ tập trung vào bán thanh đồ chơi PEZ. Google khởi sự như một dự án tổ chức các truy vấn tìm kiếm sách trong thư viện.
Vậy đừng ngại ngần thử nghiệm một thứ gì đó, và từ bỏ khi không đi đến đâu. Nó có thể dẫn đến những điều tuyệt vời. Bạn cần phải từ bỏ vài thứ để tìm ra thứ mình nên quyết tâm. Và bạn cần phải thử nhiều thứ trong khi biết rõ có thể phải từ bỏ vài thứ để mở ra vận may và cơ hội dẫn đến thành công.
Khi tôi hỏi mọi người điều cần thiết để đạt được những thành tựu lớn hơn, một trong những câu trả lời phổ biến nhất là bạn cần phải tập trung tuyệt đối và cống hiến một cách toàn tâm toàn ý. Bạn cần nỗ lực gấp đôi và loại bỏ bất cứ thứ gì có nguy cơ làm tiêu hao năng lượng hoặc phân tán sự chú ý. Nếu bạn muốn xuất sắc trong công việc, hãy dành nhiều thời gian hơn ở đó: đi làm sớm, về muộn. Đặt sở thích cá nhân sang một bên… và chắc chắn đừng tham gia thêm bất kỳ công việc phụ nào. Bạn không muốn bị phân tâm và kiệt sức.
Nhưng bằng chứng lại cho thấy một câu chuyện khác. Một sự gián đoạn không nhất thiết phải là một sự xao lãng. Nó có thể là một nguồn năng lượng.
Trong một nghiên cứu, khi mọi người dành buổi tối tham gia vào các công việc phụ đầy thú vị, họ làm việc hiệu quả hơn vào ngày hôm sau ở công việc chính. Những tiến bộ họ đạt được vào buổi tối giúp họ bước vào ngày mới với tâm trạng phấn chấn hơn. Lợi ích về động lực vượt trội hơn so với chi phí từ sự phân tâm.
Các sở thích cá nhân cũng mang lại lợi ích tương tự. Trong một nghiên cứu khác, khi mọi người theo đuổi những sở thích nghiêm túc tại nhà, sự tự tin của họ tại công việc tăng lên nhưng chỉ khi các sở thích đó thuộc lĩnh vực khác so với công việc chính của họ. Nếu bạn là một nghệ sĩ và đang cảm thấy bế tắc, làm thêm đồ gốm sẽ không mang lại nhiều cảm giác thành thạo. Nhưng nếu bạn cảm thấy không có động lực trong vai trò nhân viên xã hội hoặc kế toán, một dự án gốm sứ có thể chính là con đường mới dẫn đến tiến bộ.
Trong số các yếu tố đã được nghiên cứu, lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất đối với động lực hàng ngày là cảm giác đạt được tiến bộ. Bạn không phải lúc nào cũng tìm được động lực bằng cách cứ mãi tập trung vào điều đang không hiệu quả. Đôi khi, bạn có thể xây dựng đà tiến bộ bằng cách đi đường vòng tới một điểm đến mới.
Đường vòng là một tuyến đường rời khỏi con đường chính của bạn mà bạn đi để tiếp thêm năng lượng. Bạn không nghỉ ngơi; bạn không ngồi yên hay dậm chân tại chỗ. Bạn tạm thời rẽ khỏi lộ trình ban đầu, nhưng bạn vẫn đang tiến lên. Bạn đang tiến về một mục tiêu khác.
Các nhà tâm lý học phát hiện rằng cảm giác đạt được tiến bộ không nhất thiết phải đến từ những bước tiến lớn. Nguồn năng lượng có thể đến từ những thành công nhỏ. Khi bạn đạt được một bước tiến, ngay cả khi đã rẽ khỏi con đường chính, điều đó nhắc nhở bạn rằng việc tiến lên là hoàn toàn khả thi. Thay vì cảm thấy nản lòng trước con đường dài phía trước, bạn sẵn sàng thực hiện bước ngoặt tiếp theo.
Khi bạn bị mắc kẹt trên đường lên núi, tốt hơn là chuyển sang lùi lại hơn là đứng yên. Khi bạn thực hiện những vòng quay hoặc đi đường vòng, bạn có thể cảm thấy như đang đi vòng quanh. Trong ngắn hạn, một đường thẳng sẽ mang lại tiến bộ nhanh hơn. Nhưng trong dài hạn, những vòng lặp sẽ dẫn bạn đến những đỉnh cao nhất.
Tiến bộ hiếm khi được nhận thấy trong một khoảnh khắc — nó diễn ra trong suốt các khoảng thời gian dài. Nếu bạn tập trung vào một thời điểm khó khăn cụ thể, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy bị mắc kẹt. Chỉ khi bạn nhìn lại quãng đường đi qua trong vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm, bạn mới trân trọng được khoảng cách mình đã vượt qua.
Nguồn: