3 chiến lược cạnh tranh tổng quát (tóm tắt Chiến Lược Cạnh Tranh – P2)

Như đã tóm tắt phần 1, các doanh nghiệp cần phát triển các chiến lược cạnh tranh để đối phó với 5 áp lực cạnh tranh và củng cố sự hiện diện trên thị trường của họ. Về cơ bản, có 3 cách tiếp cận khác nhau.

1. Chiến lược tổng chi phí thấp

Theo đuổi chi phí thấp, tức doanh nghiệp cần có chi phí hoạt động thấp nhất trong ngành. Chiến lược này đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ để giảm chi phí trong các hoạt động như nghiên cứu và phát triển, dịch vụ, bán hàng, quảng cáo,…

Chi phí thấp giúp doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn mức bình quân trong ngành. Nó giúp doanh nghiệp tự vệ trước cạnh tranh của đối thủ vì doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận khi các đối thủ đã mất hết lợi nhuận do cạnh tranh. Chi phí thấp giúp bảo vệ doanh nghiệp trước các khách hàng hùng mạnh vì khách hàng chỉ có thể ép giá xuống mức mà các đối thủ cạnh tranh mạnh nhất chịu được. Chi phí thấp cũng bảo vệ chống lại các nhà cung cấp mạnh mẽ do doanh nghiệp có khả năng linh hoạt để đối phó với sự gia tăng chi phí đầu vào. Những yếu tố mang lại chi phí thấp cho doanh nghiệp cũng thường tạo ra những hàng rào gia nhập đáng kể về mặt lợi thế kinh tế nhờ quy mô hoặc lợi thế chi phí. Cuối cùng, chi phí thấp thường đặt doanh nghiệp ở một vị trí thuận lợi đối với các sản phẩm thay thế so với các đối thủ trong ngành.

Chi phí thấp bảo vệ doanh nghiệp trước cả 5 yếu tố cạnh tranh vì mặc cả chỉ có thể tiếp tục làm xói mòn lời nhuận cho đến khi lợi nhuận của đối thủ hiệu quả thứ nhì bị xóa sạch và bởi vì những đối thủ kém hiệu quả sẽ thiệt hại trước tiên dưới áp lực cạnh tranh.

Ví dụ khi khủng hoảng xảy ra, với các hãng bay khác việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet là hình mẫu lí tưởng của khả năng vượt qua khủng hoảng.

2. Chiến lược đặc trưng hóa khác biệt

Một cách tiếp cận chiến lược khác là sự khác biệt, theo đó một công ty nổi bật bằng cách tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ được coi là duy nhất trong ngành.

Sự khác biệt có thể có nhiều hình thức: thiết kế hoặc hình ảnh thương hiệu, công nghệ, tính năng, dịch vụ khách hàng hoặc mạng lưới phân phối đều có thể góp phần làm cho một doanh nghiệp trở nên độc đáo.

Ví dụ như Apple, có thể xem là duy nhất về mặt thiết kế các sản phẩm. Mercedes với hình ảnh thương hiệu là nhà sản xuất ô tô hạng sang, giúp giữ vị thế trên thị trường.

Một lợi thế lớn của sự khác biệt hóa là nó làm giảm sức mạnh của người mua. Không có sự so sánh tương đương, người mua sẽ giảm bớt sự nhạy cảm về giá. Tuy nhiên, sự khác biệt thường đòi hỏi nhận thức về tính độc quyền mà có thể rất tốn kém. Độc quyền có thể yêu cầu nghiên cứu sâu rộng, thiết kế sản phẩm, vật liệu chất lượng cao hơn hoặc hỗ trợ khách hàng chuyên sâu.

3. Chiến lược tập trung

Cách tiếp cận thứ 3 là tập trung, trong đó doanh nghiệp tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể, một loại sản phẩm hoặc thị trường cụ thể.

Một điểm thú vị là khi chọn chiến lược tập trung, doanh nghiệp thường cũng dễ đạt được chi phí thấp và khác biệt hóa.

Grab chẳng hạn, khi đối đầu với các đối thủ sừng sỏ trên thế giới thì chỉ tập trung tại Đông Nam Á, có cách tiếp cận bản địa hóa theo thị trường từng nước rất tốt.

Vậy, công ty của bạn đang theo chiến lược nào?

Giới thiệu Chiến Lược Cạnh Tranh – Michael E. Porter