Tình trạng cạnh tranh trong 1 ngành phụ thuộc vào 5 áp lực cơ bản (tóm tắt Chiến Lược Cạnh Tranh – P1)

Các công ty trong một ngành đều cạnh tranh với nhau để thu hút khách hàng, điều này duy trì hoặc cải thiện vị thế của từng công ty trên thị trường. Vì thế các công ty cần chiến lược cạnh tranh của riêng họ để chiếm lợi thế hơn các đối thủ. Nhưng để lên một chiến lược cạnh tranh tốt nhất, đầu tiên chúng ta cần hiểu cách thức mà cạnh tranh hoạt động.

Cạnh tranh trong ngành đến từ 5 nguồn lực nền tảng:

Đối thủ tiềm năng gia nhập thị trường

Áp lực đầu tiên là mối đe dọa gia nhập ngành (threat of entry), diễn ra khi đối thủ mới tham gia tranh giành thị phần trong ngành, điều này dẫn đến sự cạnh tranh. Mối đe dọa gia nhập phụ thuộc vào nhiều rào cản khác nhau, các rào cản này đã tồn tại sẵn trong từng ngành.

Ví dụ, nếu các công ty trên thị trường đã có nhận diện thương hiệu tốt và lượng khách hàng trung thành lớn xuất phát từ lịch sử quảng cáo lâu đời của họ, các đối thủ tham gia mới sẽ phải chi rất mạnh tay để vượt qua những rào cản này.

Liệu có nhiều công ty có thể cạnh tranh trực tiếp với Apple?

Các đối thủ trong ngành

Áp lực thứ hai là cường độ cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại (industry rivalry), là sự tranh giành vị thế trên thị trường. Việc cạnh tranh này gồm những yếu tố như cạnh tranh về giá, các cuộc chiến quảng cáo, ra mắt sản phẩm, chất lượng dịch vụ khách hàng, bảo hành.

Bất cứ khi nào một công ty có động thái trong những lĩnh vực trên thì đều sẽ kích động những nỗ lực của các đối thủ khác chống lại hoạt động của họ.

Bạn có thấy cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam đang như thế nào không?

Sự đe dọa của sản phẩm, dịch vụ thay thế

Sức ép thứ 3, áp lực từ sản phẩm thay thế (threat of substitute), là những sản phẩm từ những lĩnh vực khác ngoài ngành đang nhắm đến cùng khách hàng.

Lần hẹn hò tới, nếu bạn quyết định đi tà tưa thay vì xem phim thì những rạp phim đó đã bị ảnh hưởng doanh số rồi.

Sức mạnh mặc cả của khách hàng

Áp lực thứ 4 là sức mạnh thương lượng của người mua hàng (bargaining power of buyers). Khách hàng góp phần cạnh tranh trực tiếp trong ngành bằng cách luôn muốn ép giá xuống, cố gắng mặc cả nhiều nhất để có chất lượng dịch vụ tốt hơn và thường so sánh nhiều đối thủ cạnh tranh với nhau.

Rất dễ trả giá 1 chiếc quần mua ở chợ nhưng không thể bớt 1 xu khi mua hàng hiệu trong các trung tâm mua sắm.

Sức mạnh mặc cả của nhà cung cấp

Cuối cùng là sức ép từ nhà cung cấp (bargaining power of suppliers), những bên đe dọa tăng giá hoặc giảm chất lượng hàng hóa dịch vụ để vắt kiệt lợi nhuận khỏi ngành.

Bạn có thương lượng được giá với điện lực, nước, internet… không? 

=> Sức ép tổng hợp từ những nguồn lực này quyết định trạng thái cạnh tranh trong một ngành.

Giới thiệu Chiến Lược Cạnh Tranh – Michael E. Porter

Phần 2: 3 chiến lược cạnh tranh tổng quát