6 hướng sự nghiệp chính trong ngành digital marketing

Làm digital marketing là làm gì? Digital marketing không chỉ là chạy quảng cáo, tăng đơn, post facebook, live stream, gửi email…

Làm digital marketing đơn giản là làm marketing trên môi trường digital.

Vì vậy 1 digital marketer giỏi là người vừa cần nắm vững các khía cạnh trong marketing, lẫn am hiểu môi trường digital để ứng dụng hiệu quả.

Xét riêng trong ngành digital marketing, đến hiện tại, đây là 6 hướng sự nghiệp chính giúp các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm định hướng từ đầu:

6 Hướng Sự Nghiệp Chính Trong Ngành Digital Marketing

Mỗi hướng là như thế nào? Bạn phù hợp với hướng nào? Muốn theo 1 hướng cụ thể thì cần làm gì?…

 

1. Performance Digital Marketing (Digital Media)

Nhiệm vụ chính của 1 người làm digital marketing theo hướng performance là làm sao mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho công ty thông qua các kênh, hoạt động bên dưới. Hiệu quả kinh doanh có thể là doanh thu, lượng đơn hàng, số khách hàng, traffic web/app… Và cả về hiệu quả tăng trưởng thương hiệu, vì khi brand awareness và consideration tăng thì sale sẽ tăng.

Gần như công ty nào cũng muốn tăng trưởng, vì thế nhu cầu tuyển dụng vị trí này là vô cùng lớn. Có thể nói, đây là key position trong team Marketing và công ty. Tuy nhiên cũng có 1 số công ty, ngành đặc trưng gần như không cần hoặc rất hạn chế, vị trí này – ví dụ FMCG: đôi khi vị trí chỉ là digital executive, chạy quảng cáo tối ưu performance theo hướng branding thông thường, không tập trung mạnh tối ưu ra sale.

Để giúp công ty tăng trưởng tốt, 1 chiến binh performance cần rất thành thạo triển khai quảng cáo đa kênh: Paid ads (Facebook, Google, booking…), Web, App, Email,  Push, SEO… Nắm được các mảng khác như Analytic, Social, Content, Mar Tech… Quen thuộc với số liệu, phân tích, không ngại tự tay triển khai quảng cáo… Kể cả nếu bạn là 1 Digital Media Planner (người phân tích insight, thị trường, hành vi khách hàng để đề xuất kế hoạch tổng thể) ở phía agency, thì về cơ bản bạn cũng là 1 performance marketer, giúp các client của bạn đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Phát triển theo hướng này, bạn có cơ hội trải nghiệm nhiều mảng trong ngành digital marketing, dễ thành full-stack và theo hướng management thay vì specialist. Mức lương hoàn toàn có thể đạt $3,000+/tháng.

 

2. Social Media

Dễ hiểu, vị trí này ăn ngủ nghỉ 24/7 trên MXH, phụ trách các hoạt động marketing trên môi trường social (Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok…), có tác động lớn đến thương hiệu của công ty.

Đỉnh cao sự nghiệp của bạn là những chiến dịch xuất sắc, content độc đáo, viral ai cũng biết. Ngoài ra bạn còn cần quản lý khủng hoảng MXH, hỗ trợ PR, gia tăng tương tác và trải nghiệm KH.

Những kỹ năng, đặc điểm chính bạn cần mạnh là content, creative, hiểu insight người dùng qua sự nhạy bén định tính lẫn cả phân tích số liệu định lượng.

Social marketer thường nằm ở phía agency, lên ý tưởng, kế hoạch, định hướng triển khai và phối hợp với Brand team tạo ra những hoạt động, chiến dịch thành công.

 

3. SEO/ASO

Nhiệm vụ chính của SEOer (Search Engine Optimization) và ASOer (App Store Optimization) là tối ưu nội dung, kết quả tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm như Google, Youtube, app store lẫn trên web, app của công ty. Chừng nào người dùng còn hành vi tìm kiếm, bạn vẫn có rất nhiều việc để làm.

Tuy không được nhắc đến thường xuyên và mang lại kết quả đột biến, nhanh trong ngắn hạn như những vị trí khác, SEOer, ASOer giỏi vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh lớn cho công ty, thậm chí nếu bóc tách số và so chi tiết về ROI thì có thể vượt nhiều các kênh khác.

Nếu thiên hướng mạnh về kỹ thuật, IT và kiên nhẫn, bạn hoàn toàn hợp hướng sự nghiệp này. Môi trường của bạn sẽ trong team MKT ở công ty, hoặc trong 1 agency chuyên về SEO, và cũng có thể là 1 full/part-time freelancer.

 

4. Marketing Technology

“Chuyển đổi số” không còn là mỹ từ mà đã là 1 áp lực cho bất kì công ty nào. Bạn là nhân tố cho hoạt động này, áp dụng technology vào các hoạt động marketing, sale, service để giúp công ty tăng trưởng, vì chỉ tối ưu ads hết cỡ, chạy những campaign xuất sắc… là không đủ.

Marketing Automation, Data, CRM, CDP, Machine Learning, AI… là những thứ bạn sẽ làm. Vì thế trước đó, hard skill của bạn cần rất quen thuộc về performance marketing, omni channel lẫn am hiểu nghiệp vụ sale, khả năng kỹ thuật/IT, phân tích data… và soft skill về communication, teamwork, problem solving, motivation (cho chính bạn lẫn teammate),… thì mới có % thúc đẩy dự án thành công.

Bạn có thể được tuyển chọn vào core department mà công ty thành lập trong nỗ lực chuyển đổi số; hoặc ở team MKT để đồng thời giúp tối ưu các hoạt động MKT; cũng có thể làm tại những công ty chuyên về tư vấn; hoặc tại những hãng/công ty cung cấp, triển khai các martech platform, tool.

Tùy thuộc vào định hướng cá nhân, bạn có thể thấy mình sẽ phù hợp phát triển theo hướng Specialist hoặc Management. Dù theo hướng nào với level là gì, mức lương cho những vị trí này đều tính theo $.

 

5. Content Creator/Writer & Creative

“Content is king” vẫn luôn đúng. Dù là hình thức quảng cáo nào, marketer đều cần tiếp cận KH với nội dung hấp dẫn. Nếu có khả năng sáng tạo nội dung, viết tốt, vị trí này sinh là dành cho bạn.

“Đất diễn” của bạn là ở những creative agency, nơi bạn phối hợp với những team khác như Social, Strategy, Account, Media tạo ra những chiến dịch chất cho client. Tại các client cũng có nhu cầu in-house content rất nhiều. Hoặc bạn cũng có thể theo đuổi “con đường nghệ thuật” này bằng chính fanpage, blog, kênh youtube, sách… của chính bạn, freelancer full/part-time.

1 vị trí rất hay nữa là creative – người chuyên đưa ra ý tưởng sáng tạo trên môi trường digital. Từ những phân tích của media planner/thông tin khách hàng, người này sẽ cụ thể hóa ra creative như video, MV music, key visual, câu copy cho chiến dịch… Vị trí này thì phải làm lâu năm mới đảm trách được.

Một cách hiệu quả để bước chân vào ngành digital marketing là bắt đầu với những vị trí khiêm tốn như nhận viết bài blog SEO, làm seeding, phát triển nội dung fanpage/group… để từ đó dần học hỏi chuyên môn trong ngành để có cơ hội làm các mảng khác. Tất cả chỉ cần bạn biết đọc và viết, cộng với sự nỗ lực.

 

6. Account Manager

Đây là vị trí rất quyền lực trong ngành, là cầu nối giữa Client & Agency/Vendor; là người điều phối, giúp chiến dịch/dự án thành công; vừa hiểu client nhất lẫn nắm tốt chuyên môn ngành; mang lại doanh thu cho agency…

Ngược lại với tất cả hướng trên, người làm account không cần quá giỏi 1 hướng chuyên môn cụ thể (nếu giỏi chuyên môn thì bạn lại càng phát huy được thế mạnh của mình trong việc tư vấn cho client). Đổi lại là kỹ năng con người, mối quan hệ rộng, hiểu ngành, nghề, thị trường, KH,… Account tuy tương đồng, nhưng không giống 100% Salesperson.

Salesperson trong digital có thể làm sale về Adnetwork, Media (Zalo, Tiktok, Grab Ads, Coccoc…) hay Hệ thống (social listening, hệ thống gửi email…) hay Giải pháp CPD, CRM, automation marketing… Vị trí này cần am hiểu giải pháp của mình/thị trường lẫn nghiệp vụ chuyên môn khách hàng thì mới giúp khách hàng hiểu được sản phảm bạn đang bán. Đây cũng có thể là bước chân đầu tiên vào ngành hợp lý vì yêu cầu không quá cao, rèn luyện giao tiếp

Nhu cầu các vị trí này rất nhiều, nên khá dễ để bạn tham gia vào ngành Digital Marketing bằng cách thử sức với những vị trí khởi đầu như Account Intern, Sale Executive để trải nghiệm và cân nhắc độ phù hợp.

 

Tổng kết

  • Đâu đó sẽ còn 1 vài vị trí khác trong bức tranh ngành digital marketing vì ngành còn rất mới. Paha sẽ tiếp tục cập nhật, theo sự phát triển của ngành.
  • Đừng chọn đại vị trí nào! Bạn cần hiểu kỹ mình hợp với hướng nào nhất. Tìm hiểu, trải nghiệm, lựa chọn.
  • Bạn cũng có thể làm nhiều hướng cùng lúc, kiến thức, kỹ tăng toàn diện thành full stack digital marketer
  • Mỗi hướng đều có đỉnh vinh quang riêng. Cơ hội đều có cho tất cả mọi người, không phân biệt đã có kinh nghiệm, bằng cấp. Chỉ cần bạn nỗ lực không ngừng.