Digital marketer nhảy việc quá nhanh thì ảnh hưởng gì?

Tốc độ “thay áo” trong ngành digital marketing là rất nhanh so với các ngành truyền thống khác. Không nhiều bạn gắn bó tại 1 công ty trên 2-3 năm. Phần lớn khoảng 1 năm rưỡi trở xuống, thậm chí chỉ ~6-8 tháng.

Là vì nhu cầu digital marketing của thị trường rất cao tạo ra nhiều cơ hội, công ty nào cũng gần như phải có. Cộng thêm Digital Marketing là ngành mới, nhân sự chủ yếu là các bạn trẻ rất năng động 8-9x đổ lại nên tốc độ nhảy việc càng nhanh.

Đầu tiên hãy xem bạn được gì khi nhảy việc nhiều:

1. Nhảy việc thường giúp tăng 15-20% lương

Theo khảo sát của Vietnamworks, người đi làm nói chung thường có cơ hội tăng lương ~15-20% khi đổi công việc mới.

Có thể bạn vẫn được tăng lương tại công ty hiện tại nhưng khó đạt mức như vậy. Đa phần các công ty xét tăng lương 1 năm 1 lần, mỗi lần thường tăng tối đa khoảng 5-10%. Trừ trường hợp công ty hiện tại bạn đang làm có chính sách nhân sự tốt hoặc bạn đang được đánh giá cao, được thăng tiến/thay đổi vị trí công việc.

 

2. Nhảy việc cũng giúp thăng tiến nhanh hơn

Ví dụ nếu bạn muốn nâng title từ Digital Marketing Executive lên Digital Marketing Lead; hoặc từ Digital Marketing Manager lên Head of Digital Marketing… thì nhảy việc thường sẽ giúp bạn đạt được nhiều này nhanh hơn là thăng tiến ở công ty hiện tại.

Đây là 1 cách hiệu quả giúp bạn sớm đạt các cấp độ cao hơn. Đương nhiên còn phụ thuộc vào năng lực bạn có, độ rướn, thử thách dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Title cao hơn luôn đi kèm những thuận lợi, cơ hội tốt hơn.

 

 

3. Nhảy nhiều nơi, biết nhiều cái

Trong cùng 1 khoảng thời gian 5 năm, nếu bạn làm đến 3 nơi khác nhau thay vì chỉ 1 nơi thì chắc chắn sẽ có nhiều trải nghiệm về digital marketing hơn do tiếp xúc nhiều môi trường, thách thức khác nhau.

Mỗi khi đổi vị trí/công ty đồng nghĩa với việc được:

  • Học và làm cái mới. Ví dụ: làm digital marketing ở 1 công ty về Thẩm Mỹ sẽ khác với 1 công ty về Giáo Dục, Dược,… Làm Account ở 1 performance agency khác nhiều với 1 creative agency,… Thậm chí dù cùng 1 ngành, ở công ty mới bạn có thể được học, được làm những cách mới mà công ty hiện tại khó/không làm được.
  • Trải nghiệm nhiều thách thức khác nhau. Ví dụ: quy mô/thách thức khi làm digital marketing trong mảng eCommerce/Fintech/Game… khác rất nhiều so với công ty về thời trang, ngân hàng,… Cũng quảng cáo Facebook Google… nhưng độ tối ưu ở client khác, sâu hơn nhiều so với agency. Làm 1 thời gian dài chỉ trên 1 nền tảng web sẽ khác rất nhiều khi qua công ty mới làm mobile app, đa kênh…
  • Lợi ích về dài hạn. Nhìn ngắn hạn từng năm, từng công việc thì bạn đang giải quyết chỉ những vấn đề, yêu cầu của công việc đấy. Nhưng về dài hạn khi tích lũy đa dạng trải nghiệm và thách thức thì bạn có nhiều lợi thế để đảm nhiệm những vị trí quản lý, làm định hướng, chiến lược tốt hơn. Ví dụ: nếu chưa từng làm ở agency thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý/tối ưu cùng họ khi làm ở client. Khi chưa trực tiếp làm sâu đa kênh thì khi làm manager, bạn rất khó hỗ trợ/điều phối Team tốt…

 

Và nhảy nhiều sẽ mất gì:

1. Mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng

nhảy việc nhiều sẽ mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Nhìn vào 1 CV với tốc độ thay đổi công việc quá nhanh, không có tính gắn bó thì bạn sẽ luôn nhận được sự hoài nghi, thiếu tin tưởng từ HR/sếp trực tiếp.

Dù lý do bạn “bào chữa” có hợp lý, thuyết phục như thế nào đi nữa, chẳng có gì đảm bảo là với cơ hội hiện tại thì bạn sẽ không nhảy việc nhanh như những công ty trước. Và vì thế nhiều lúc CV của bạn bị loại bất chấp bạn đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp bạn bị từ chối vì lý do này, hãy chấp nhận buông bỏ vị trí đấy và tìm, lựa chọn thật kỹ cơ hội tiếp theo để gắn bó hơn, cải thiện career path.

Nhảy việc nhiều, có khi mất nhiều hơn được!

 

Thực tế mình biết cũng có người đã kiên trì đi từ vị trí executive hết sức bình thường đến Head of Digital Marketing tại 1 ngân hàng lớn trong nước, sau 8 năm gắn bó.

 

2. Nhảy việc chỉ để tăng lương, tăng chức giống trái cây “chín ép”

Nhảy việc chỉ để tăng lương, tăng chức giống trái cây "chín ép"
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Phương Mai – CEO Navigos Search

Theo chị Mai:

“Khi nhảy việc liên tục các bạn trẻ đã đánh mất cơ hội để đạt được những vị trí tốt hơn trong tương lai. Các bạn giống như chín ép. Thấy cơ hội là nhảy vào mà không biết bản thân đã mất đi cơ hội giúp bản thân phát triển toàn diện hơn. Các bạn không nhìn đến khía cạnh đó, chỉ nhảy việc để tăng lương, tăng chức vụ.

Các bạn có thể có chức danh kêu nhưng rỗng bởi không có độ chín về kinh nghiệm để tương xứng với chức danh. Do vậy khi có cơ hội thực sự khiến mình nở mày nở mặt thì lại không đáp ứng yêu cầu.”

Cái gì cũng có cái giá của nó. Chọn tăng trưởng nóng trong khi năng lực, giá trị của bạn không bắt kịp với yêu cầu của công việc, vị trí mới đặt ra; nền tảng không vững thì rất khó giúp bạn lên một nấc thang sự nghiệp cao hơn. Việc dậm chân tại chỗ trong khi ngành digital marketing phát triển quá nhanh sẽ khiến bạn không cạnh tranh được với các bạn trẻ hoặc giỏi hơn, bị đào thải các năm về sau.

 

3 THỜI ĐIỂM VÀNG để nhảy việc

 

 

Chia sẻ từ chị Thanh Nguyễn – CEO Anphabe

  • Đừng bao giờ nghỉ việc chỉ vì lương. Khi và chỉ khi bạn có thể học/làm ra nhiều giá trị hơn nhưng công việc hiện tại không cho bạn cơ hội học/làm những cái đấy thì lúc đó hãy rời đi.
  • Khi biết mình cần gì cho tương lai hơn là chán gì ở hiện tại. Hãy thành thật xác định xem bạn muốn gì, và bạn đã cố gắng hết sức để đạt được điều đó trong công việc hiện tại hay chưa. Cần rất rõ ràng về định hướng để không nhảy việc “vô tội vạ”.
  • Cần “cú hích” để thay đổi, thoát khỏi vùng an toàn. Nhưng để sự thay đổi thành công thì môi trường mới cần giúp bạn tạo ra những giá trị mới so với hiện tại. Và bạn cần biết rõ cái giá của sự thay đổi là gì để chuẩn bị tốt nhất.

Paha chúc bạn có 1 chiến lược lẫn kế hoạch chuyển việc thật hiệu quả.