Nguyên tắc #3 của nhà tuyển dụng vô cùng đơn giản. Theo Tom Jackson, một tác giả về nghề nghiệp, đó là: “Hãy kiếm tiền cho sếp”.
Nguyên tắc này ngụ ý rằng, nếu bạn chứng minh được mình có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn chi phí công ty bỏ ra cho bạn, bạn sẽ được tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Trong ngành Digital Marketing, không chỉ là mức lương công ty trả cho bạn, mà công ty còn nhiều chi phí khác như cấp tài sản lao động như máy tính, bàn ghế, thuê văn phòng… đến thuế, vận hành hệ thống CRM, CDP, tổng đài cho hoạt động quảng cáo & khai thác khách hàng, chi phí đào tạo cho bạn, thuê agency tư vấn, quản lý dự án, và các khoản phúc lợi khác. Để được coi là “xứng đáng,” bạn phải tạo ra giá trị gấp nhiều lần tổng chi phí này.
Ví dụ, một nhân viên chuyên chạy quảng cáo (Ad Specialist) thực hiện các chiến dịch PPC cần đảm bảo ROI (Return on Investment) của chiến dịch luôn cao hơn ngân sách chi tiêu. Nếu công ty chi 100 triệu đồng cho quảng cáo, chiến dịch của bạn phải mang về ít nhất 300-500 triệu đồng doanh thu để công ty thấy việc thuê & đầu tư vào bạn là hợp lý.
Những người làm SEO cũng không ngoại lệ. Nếu bạn tối ưu hóa trang web và mang lại 10.000 lượt truy cập tự nhiên mỗi tháng, nhưng những lượt truy cập này không chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng hoặc doanh thu, bạn cũng sẽ bị coi là không hiệu quả.
Với các cấp quản lý, chẳng hạn Digital Marketing Manager, trách nhiệm sẽ lớn hơn. Họ không chỉ tối ưu hóa từng chiến dịch mà còn phải đảm bảo tất cả các kênh (SEO, quảng cáo, email marketing, social media,…) phối hợp nhịp nhàng để đạt được mục tiêu kinh doanh. Nếu một chiến dịch thất bại hoặc không đạt KPI, họ sẽ chịu trách nhiệm.
Ở cấp cao hơn, như Giám đốc Chuyển đổi số (Digital Transformation Director), nguyên tắc “Hãy kiếm tiền cho sếp” càng trở nên rõ ràng. Vai trò của họ không chỉ là tối ưu hóa lợi nhuận từ các chiến dịch, mà còn đưa ra chiến lược số hóa toàn diện, từ cải thiện trải nghiệm khách hàng đến giảm chi phí vận hành. Nếu các dự án số hóa không đạt kỳ vọng, công ty không chỉ mất tiền và khách hàng mà còn là chi phí cơ hội, tụt hậu so với đối thủ, khiến vị trí của họ trở nên bấp bênh.
Ngay cả trong các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan chính phủ liên quan đến Digital Marketing, nguyên tắc này vẫn tồn tại. Ví dụ, một chuyên viên social media trong tổ chức phi lợi nhuận cần đảm bảo các chiến dịch kêu gọi quyên góp đạt hiệu quả cao. Nếu họ không tạo ra đủ giá trị để bù đắp chi phí duy trì công việc, tổ chức sẽ không thể tiếp tục trả lương cho họ.
Tóm lại, trong nghề Digital Marketing, bất kể ở cấp độ nào, nguyên tắc “Hãy kiếm tiền cho sếp” vẫn là tiêu chí cốt lõi để nhà tuyển dụng đánh giá giá trị của bạn. Hoặc bạn tạo ra giá trị lớn hơn chi phí, hoặc bạn sẽ bị thay thế.
Nguyên tắc #1: Lao động là vô hình. Và bạn luôn có thể nhận được mức lương cao hơn nữa.
Nguyên tắc #2: Trách nhiệm càng lớn, lương càng cao.