Mục tiêu của buổi phỏng vấn?

Tại sao buổi phỏng vấn này lại diễn ra? Mục tiêu của nhà tuyển dụng là gì, và bạn nên đặt ra những mục tiêu gì trong những buổi như này?

Nhà tuyển dụng đang cần tuyển một vị trí và họ muốn tìm một ứng viên có thể nhanh chóng hòa nhập và làm tốt công việc – một ngôi sao sáng nhưng cũng là một người đồng đội đáng tin cậy.

Chính bạn, ứng viên đang tìm kiếm một công việc hoàn hảo – thách thức, thu nhập cao, đồng thời là bước tiến quan trọng để đạt các mục tiêu sự nghiệp…

Hai bên sẽ gặp nhau trong một khoảng thời gian ngắn để quyết định: Liệu có sự hòa hợp không? Hai bên có thật sự phù hợp với nhau không?

Có rất nhiều áp lực cho một buổi phỏng vấn kéo dài chỉ 30-60 phút. Làm thế nào bạn tạo được ấn tượng tốt nhất trong cuộc trao đổi ngắn ngủi và thường không mấy thoải mái này với một người hoàn toàn xa lạ?

Hãy tìm hiểu về đối phương – họ là ai và họ đang tìm kiếm điều gì.

 

Nhà tuyển dụng muốn gì?

Hầu hết các ứng viên đều không suy nghĩ nhiều về góc nhìn của nhà tuyển dụng. Họ thường quá bận tâm vào việc xem xét kỹ năng của bản thân, những lỗ hổng trong hồ sơ, điểm mạnh và điểm yếu…

Bạn có thể nổi bật hơn nếu dành thời gian xem xét tình huống từ quan điểm của nhà tuyển dụng.

Công ty có một vị trí cần tuyển, và người phỏng vấn muốn tìm một người đáp ứng đủ yêu cầu công việc, làm tốt vai trò được giao, đồng thời là người dễ làm việc cùng.

Nếu bạn may mắn vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên (thường là với nhà tuyển dụng bên ngoài hoặc đại diện nhân sự), rất có thể bạn sẽ gặp nhiều người khác trong các vai trò khác nhau trong công ty đó, và mỗi người sẽ có những tiêu chí riêng để quyết định xem nên tuyển ai.

 

Các kiểu người phỏng vấn mà bạn có thể gặp

1. Nhà tuyển dụng bên ngoài (External Recruiter)

Nhà tuyển dụng bên ngoài (ví dụ headhunter) muốn đảm bảo rằng bạn xứng đáng để họ giới thiệu cho khách hàng của họ. Nếu bạn làm hỏng buổi phỏng vấn, họ sẽ mất uy tín, và điều đó có thể ảnh hưởng đến công việc trong tương lai và thu nhập của họ.

Nhà tuyển dụng bên ngoài chỉ có tiền nếu bạn được nhận, vì vậy họ muốn bạn làm tốt. Thế nên đừng ngần ngại hỏi họ về mô tả công việc và những gì công ty đang tìm kiếm.

Nhà tuyển dụng bên ngoài (External Recruiter)

 

2. Nhà tuyển dụng nội bộ hay thường gọi là Nhân Sự (Internal Company Recruiter)

Nhà tuyển dụng nội bộ hoặc người đại diện nhân sự thường đóng vai trò như một người lọc hồ sơ. Liệu bạn có xứng đáng để sếp họ – (các) quản lý tuyển dụng dành thời gian gặp mặt không? Họ muốn đảm bảo bạn đáp ứng yêu cầu tối thiểu và không có vấn đề nghiêm trọng nào trong lý lịch của bạn.

Mục tiêu của họ là chọn ra những ứng viên tiềm năng, tránh làm mất thời gian của mọi người. Nếu bạn được người này phê duyệt, họ sẽ trở thành nguồn thông tin hữu ích và người hỗ trợ chính cho bạn trong các bước phỏng vấn tiếp theo.

 

3. Sếp trực tiếp (Hiring Manager)

Người này thường quyết định chính trong việc tuyển dụng, và sẽ là sếp trực tiếp của bạn nếu bạn được nhận.

Họ tập trung vào việc tìm một người có thể làm cho công việc của họ dễ dàng hơn – người có thể đáp ứng thời hạn, hoàn thành công việc chất lượng, hòa hợp với đội nhóm và giúp họ ghi điểm với cấp trên.

Đương nhiên, họ muốn tuyển người có năng lực, nhưng họ cũng tự hỏi: Bạn có thể làm việc tốt với đội ngũ hiện tại không? Bạn có đáng tin cậy và ổn định không? Nếu họ đặt cược vào bạn để đào tạo bạn, liệu bạn có ở lại lâu dài không?

Sếp trực tiếp (Hiring Manager)

 

4. Sếp của sếp (Hiring Manager’s Boss)

Nếu bạn được mời gặp Sếp của người quản lý trực tiếp, điều đó có nghĩa là bạn đang thể hiện tốt và có cơ hội rất lớn nhận được công việc này (tối thiểu là 30-50% phần thắng – vì chắc chắn chẳng ai muốn làm mất thời gian sếp của mình, họ chỉ gửi cho “trùm cuối” 2-3 ứng viên tốt nhất để có đánh giá cuối cùng, thậm chí là chỉ để sếp cuối biết mặt).

Người Sếp lớn này có tiếng nói quan trọng trong quyết định tuyển dụng. Đôi khi họ cũng có thể làm việc trực tiếp với bạn nếu bạn được nhận.

Các câu hỏi của họ thường tương tự với người quản lý trực tiếp hàng ngày, nhưng thường mang tính tổng quan hơn.

 

5. Người trực tiếp báo cáo cho bạn (Potential Direct Report)

Tuy hiếm ở VN, nhưng bạn có thể được yêu cầu gặp một (vài) nhân viên trong team hiện tại, người sẽ làm việc dưới quyền bạn nếu bạn được nhận. Mục tiêu là xem nhân viên bên dưới có cảm nhận, đánh giá thế nào về sếp mới của họ.

Buổi gặp này có thể trở nên khó xử nếu người nhân viên này cảm thấy họ bị bỏ qua cơ hội thăng tiến hoặc họ thích một ứng viên khác hơn bạn.

Vì thế bạn hãy tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ và thể hiện sự tôn trọng đối với đội ngũ hiện tại.

 

6. Những người phỏng vấn khác

Những người tham gia phỏng vấn khác có thể là quản lý hoặc đồng nghiệp từ các phòng ban khác.

Nếu họ tham gia vào quá trình phỏng vấn, có khả năng bạn sẽ làm việc chặt chẽ với họ, có thể là với vai trò khách hàng nội bộ hoặc cộng sự thường xuyên.

Họ cần biết liệu bạn có hòa hợp với họ không? Bạn có đáng tin để đáp ứng nhu cầu của họ không?

 

Bạn muốn gì?

Đương nhiên, bạn muốn nhận được lời mời làm việc, hoặc ít nhất là được mời tham gia vòng phỏng vấn tiếp theo. Hiện tại, đó là mục tiêu #1.

Những thắc mắc, lo ngại như phúc lợi, khoảng cách di chuyển, thời gian nghỉ phép… có thể để sau. Cũng như vậy, các mối nghi ngại về công việc hoặc câu hỏi khó có thể để lại cho các giai đoạn sau.

Trong các buổi phỏng vấn đầu tiên, mục tiêu là khiến họ kết bạn. Bạn phải là người phù hợp hoàn hảo cho công việc này và thể hiện sự hào hứng 200% với cơ hội đó.

Bạn muốn gì?

Hãy nhớ rằng bạn đang là người theo đuổi trong mối quan hệ này. Nhà tuyển dụng đang phỏng vấn các ứng viên khác và đang tìm lý do để loại bỏ bớt. Một khi có lời mời làm việc, bạn sẽ có quyền thương lượng và cân nhắc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua những điểm tiêu cực tiềm ẩn. Bạn vẫn cần đặt câu hỏi và tìm hiểu thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt, nhưng hãy đợi đúng thời điểm.