Nếu tính theo tỉ lệ lạm phát, tài sản mà tỉ phú huyền thoại của Mỹ, John Davison Rockefeller, đã tích luỹ vượt trội so với bất kỳ ai khác trong lịch sử. Trước và sau ông vẫn không có người nào trên thế giới giàu bằng ông! Cho đến khi mất năm 1937, giá trị tài sản của trùm dầu hỏa Rockefeller là 1,4 tỉ USD trong khi GDP Mỹ thời điểm đó là 92 tỉ USD (tức bằng 1/65 GDP quốc gia; so với 1/152 GDP của Bill Gates vào thời điểm hoàng kim năm 2006). Điều đáng nói là Rockefeller đã tạo dựng sự nghiệp từ tay trắng.
Vào thời điếm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông thường được đánh giá là mờ nhạt, chậm chạp và ít gây được ấn tượng với bạn bè đồng trang lứa. Đến khi ông thành công thì bạn bè còn phải chật vật để nhớ xem ông là ai: “Tôi nhớ John không xuất sắc ở lĩnh vực nào cả… Cậu ta chẳng có điểm gì để mọi người chú ý đến cậu ta”. Nhưng người này cũng nói thêm: “Tôi nhớ rằng anh ấy luôn chăm chỉ trong mọi việc; kiệm lời, và luôn học tập với một thái độ tuyệt vời”.
Rõ ràng có thể thấy chìa khoá thành công đầu tiên của Rockefeller không phải là “thông minh” mà lại là “chắc chắn”. Ông đã đi học với mọi sự kiên trì: “Tôi không phải là một học sinh dễ tính”, ông tiếp lời “tôi đã mẫn cán buộc bản thân phải chăm chỉ để chuẩn bị bài học”.
Rockefeller phát hiện ra mình có sở trường về con số nên ông bỏ học cấp 3 để học sâu hơn về cách quản lý con số. Đăng ký khóa học kinh doanh kéo dài 3 tháng tại một trường cao đẳng thương mại, ông được học cơ bản về kế toán, sổ sách và ngân hàng. Ông tốt nghiệp ở tuổi 16, sau đó ông rời gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập tại Cleveland.
Ông đã chinh phục mục tiêu của mình bằng cái cách kiên nhẫn như thời ông còn ngồi trên ghế nhà trường vậy. Mong muốn tìm được một vị trí ở công ty lớn và danh tiếng để có cơ hội học hỏi và phát triển, ông lập ra một danh sách những nhà buôn, ngân hàng và doanh nghiệp đường sắt được đánh giá cao nhất. Mỗi ngày, Rockefeller mặc bộ suit tối màu, cạo râu gọn gàng và đánh bóng giày trước khi ra đường tìm việc. Tại mỗi doanh nghiệp, ông đều xin được nói chuyện với người đứng đầu rồi sau đó vào thẳng vấn đề: “Tôi có kiến thức về kế toán và tôi muốn làm việc ở đây”.
Theo như Rockefeller nhớ, thị trường lao động lúc này rất khắt khe và phản hồi mà ông nhận được đều không mấy khả quan. Không ai muốn thuê một cậu nhóc và rất ít người thật sự muốn tiếp chuyện với ông. Ông đã đi qua hết các công ty trong danh sách của mình mà vẫn chưa tìm được một lời đề nghị nào. John lại bắt đầu lại danh sách và đến các công ty một lần nữa, thậm chí có công ty ông đã ghé lại đến tận 3 lần. Ông xem quá trình tìm việc như công việc của mình: “Ngày nào tôi cũng chăm chỉ làm việc – công việc của tôi là tìm việc. Tôi dành cả ngày để làm việc đó“.
Từ sáng sớm đến chiều tối, sáu ngày một tuần – trong sáu tuần, Rockefeller vẫn tiếp tục hành trình của mình mặc cho áo ướt đẫm vì ánh nắng chói chang của mùa Hè tại Cleveland, mặc cho đôi chân có đau nhức vì phải đi bộ cả ngày dài ngoài đường. Cuối cùng, vào ngày 26 tháng 9 năm 1855, ông đã nghe được câu mình hằng mong đợi: “Chúng tôi sẽ cho cậu một cơ hội”. Công ty sản xuất nhỏ Hewitt & Tuttle đang cần gấp một trợ lý kế toán, và đề nghị Rockefeller vào làm việc ngay lập tức.
Kể từ đó, Rockefeller gọi đây là “Ngày công việc” và hàng năm ông kỷ niệm ngày này còn lớn hơn sinh nhật mình vì đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Thông qua việc tập trung vào một mục tiêu duy nhất và kiên trì từng bước để đạt được mục tiêu của mình, đó chính là chìa khoá thành công đầu tiên của John D. Rockefeller giúp ông bước chân vào thế giới kinh doanh, và tận dụng nó làm bàn đạp trong việc đưa ông trở thành một người đàn ông có sức ảnh hưởng lớn đến toàn ngành kinh doanh trên toàn bộ nước Mỹ.
—
Ps: Bạn chọn kiên trì, tiếp tục tiến lên hay đứng lại than trách?