Tạm quên đi mục tiêu, chú tâm vào hệ thống

Có một niềm tin phổ biến cho rằng cách tốt nhất để đạt được cái mình muốn trong đời – chẳng hạn như tự do tài chính, có một sự nghiệp thành công, cân bằng công việc – cuộc sống, 6 múi hoặc giảm cân,… – là phải đặt ra các mục tiêu thông minh (S.M.A.R.T).

Trong nhiều năm, đây cũng từng là cách tôi cố gắng xây dựng thói quen tốt cho mình. Mỗi cái đều là một mục tiêu cần hoàn thành (thường là dịp Tết đầu năm). Tôi lập mục tiêu cho số sách mình cần đọc, mức lương cần đạt trong năm, luyện tiếng Anh… Tôi hoàn thành được một số, nhưng đa phần là thất bại. Cuối cùng thì tôi bắt đầu nhận ra kết quả của mình có rất ít sự liên quan đến mục tiêu mình đặt ra, và lại cực kỳ liên quan đến hệ thống mà tôi đã theo.

Điểm khác biệt giữa Mục Tiêu (Goal)Hệ Thống (System) là gì?

Mục tiêu là các kết quả bạn muốn đạt được. Hệ thống là quá trình dẫn đến các kết quả ấy.

  • Nếu bạn là một nhân viên digital marketing, mục tiêu của bạn có thể là thành Digital Marketing Manager trong 3 năm nữa. Hệ thống là cách thức bạn trau dồi kiến thức và thực hành mỗi ngày ở công ty, qua những công việc hiện tại.
  • Nếu bạn là một doanh nhân, mục tiêu của bạn hẳn là xây dựng một doanh nghiệp triệu đô. Hệ thống có thể là cách bạn thử nghiệm các ý tưởng sản phẩm, thuê nhân viên, và chạy các chiến dịch tiếp thị.

Bây giờ đến câu hỏi thú vị:

Nếu bạn hoàn toàn phớt lờ mục tiêu và chỉ tập trung vào hệ thống thôi, thì bạn có thành công không? Lấy ví dụ, nếu bạn đang nhận mức lương 15 triệu/tháng và bạn bỏ qua hoàn toàn mục tiêu đạt được mức lương 50 triệu/tháng, bạn chỉ tập trung vào việc nỗ lực học hỏi và luyện tập hằng ngày, thì bạn vẫn đạt được kết quả ấy chứ?

Tôi cho là được.

Mục tiêu của bạn là tăng lương, thăng tiến, giỏi hơn, nhanh hơn,… thế nhưng thật là kỳ cục nếu suốt cả năm chỉ chăm chăm nhìn vào các mục tiêu trên giấy. Cách thức duy nhất để thực sự chiến thắng là làm cho mình tốt hơn mỗi ngày. Nếu bạn muốn kết quả tốt hơn thì bạn nên quên việc đặt mục tiêu đi. Thay vì vậy hãy tập trung vào hệ thống.

Như vậy mục tiêu hoàn toàn vô dụng à? Tất nhiên là không phải thế. Mục tiêu có tác dụng rất tốt trong việc định hướng, nhưng hệ thống mới thực sự hiệu quả cho việc tiến bộ. Hàng đống vấn đề sẽ phát sinh nếu bạn dành quá nhiều thời gian nghĩ về mục tiêu và không còn đủ thời giờ thiết kế hệ thống thực hiện mục tiêu ấy nữa.

 

Vấn đề 1: Người thắng lẫn kẻ thua đều có cùng mục tiêu

Vấn đề 1 - Người thắng lẫn kẻ thua đều có cùng mục tiêu

 

Việc thiết lập mục tiêu có vấn đề nghiêm trọng về thành kiến sống sót. Chúng ta tập trung vào những người cuối cùng chiến thắng – những người sống sót – và lầm tưởng rằng những mục tiêu đầy tham vọng đã dẫn đến thành công của họ trong khi bỏ qua tất cả những người có cùng mục tiêu nhưng không thành công.

Không phải mục tiêu được thăng chức giúp một nhân viên được bổ nhiệm thành công. Có lẽ trước đó nhân viên đấy đã muốn được vinh danh và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh — giống mọi nhân viên khác. Mục tiêu đã luôn ở đó. Chỉ khi nhân viên đấy triển khai một hệ thống cải tiến nhỏ liên tục thì người đấy mới đạt được kết quả khác những người còn lại.

 

Vấn đề 2: Đạt được mục tiêu chỉ là sự thay đổi nhất thời

Vấn đề 2: Đạt được mục tiêu chỉ là sự thay đổi nhất thời

Tưởng tượng bạn có một bàn làm việc bừa bộn và bạn đặt mục tiêu dọn dẹp nó. Nếu bạn tập trung năng lượng để dọn dẹp thì bạn sẽ có một bàn làm việc ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng nếu bạn vẫn duy trì thói quen luộm thuộm, giữ thói tích trữ đồ đạc từ lúc đầu dẫn tới bàn làm việc lộn xộn như bây giờ, thì sớm muộn bạn cũng sẽ lại thấy một đống ngổn ngang mới và hy vọng có được một động lực bùng nổ khác. Bạn đang theo đuổi kết quả như cũ vì bạn chưa bao giờ thay đổi hệ thống đằng sau nó. Bạn đã điều trị một triệu chứng mà không giải quyết được nguyên nhân.

Đạt được mục tiêu chỉ thay đổi cuộc sống của bạn trong khoảnh khắc. Đó là điều phản trực giác về sự cải thiện. Chúng ta nghĩ rằng cần thay đổi kết quả của mình, nhưng kết quả không phải là vấn đề. Điều chúng ta thực sự cần thay đổi là những hệ thống dẫn đến những kết quả đó. Khi bạn giải quyết vấn đề ở bề mặt kết quả, bạn chỉ giải quyết được chúng một cách tạm thời. Để cải thiện tốt, bạn cần giải quyết các vấn đề ở tầng hệ thống. Sửa đầu vào thì các đầu ra sẽ tự xong.

 

Vấn đề 3: Mục tiêu sẽ giới hạn hạnh phúc của bạn

Mục tiêu sẽ giới hạn hạnh phúc của bạn

Có một giả định ngầm đằng sau mỗi mục tiêu là: “Chừng nào tôi đạt được mục tiêu, tôi mới hạnh phúc.” Vấn đề trong trạng thái tinh thần của việc đặt-mục-tiêu-lên-hàng-đầu là, bạn liên tục đặt hạnh phúc qua một bên cho đến khi đạt được thành tựu tiếp theo. Tôi đã rơi vào cái bẫy này nhiều lần đến mức không đếm nổi. Hàng năm trời thậm chí cả thời thanh xuân, hạnh phúc luôn là thứ gì đó xa vời mà chỉ có cái tôi tương lai mới được hưởng. Tôi tự hứa với lòng là, khi nào tôi mua được nhà sung túc cho bố mẹ và gia đình, lên được chức Chief Digital Officer, trong tài khoản có khoảng 30 tỷ với lãi kép,… thì tôi có thể thư giãn.

Hơn nữa, các mục tiêu còn tạo ra xung đột “hoặc cái này – hoặc cái kia”: hoặc bạn đạt được mục tiêu và thành công, hoặc bạn thất bại và thất vọng. Bạn tự đóng khung tinh thần mình vào một phiên bản hạn hẹp về hạnh phúc. Điều này là sai lầm.  Thường thì đường đời thực tế hiếm khi sẽ khớp hoàn toàn với kế hoạch ban đầu ta vẽ ra trong đầu. Sẽ vô nghĩa nếu giới hạn mức độ hài lòng của bản thân vào một kịch bản trong khi có rất nhiều con đường dẫn đến thành công.

Tâm lý đặt-hệ-thống-lên-hàng-đầu là liều thuốc giải. Khi bạn yêu thích quy trình hơn là thành phẩm, bạn không cần phải chờ đợi để cho phép mình được hạnh phúc. Bạn có thể hài lòng bất cứ lúc nào hệ thống của bạn đang chạy. Và một hệ thống có thể thành công dưới nhiều hình thức khác nhau, không chỉ theo một cách mà bạn hình dung ban đầu.

 

Vấn đề 4: Mục tiêu sẽ mâu thuẫn với sự tiến bộ lâu dài

Cuối cùng, tư duy hướng tới mục tiêu có thể tạo ra hiệu ứng “yo‑yo”. Nhiều bạn trẻ học giỏi, cực kì vất vả ôn luyện để đậu được đại học rồi sau đó không thấy họ “học” nữa. Hoặc nhiều người đạt vị trí Digital Marketing Manager sau một vài năm nỗ lực nhưng rồi chỉ dừng ở đấy. Ngay khi vượt qua vạch đích, họ thôi không tập luyện nữa. Cuộc đua không còn ở đó để thúc đẩy họ. Khi tất cả khổ luyện của bạn đều tập trung vào một mục tiêu nhất định, điều gì còn lại để thúc đẩy bạn tiếp tục tiến về phía trước sau khi đạt được nó? Đây là lý do tại sao nhiều người thấy mình quay trở lại thói quen cũ sau khi hoàn thành mục tiêu.

Mục đích của việc đặt mục tiêu là thắng cuộc chơi. Mục đích của việc xây dựng hệ thống là để tiếp tục chơi trò chơi. Tư duy dài hạn thực sự là tư duy không có mục tiêu. Nó không phải chỉ là chuyện hoàn thành một mục tiêu đơn lẻ nào. Đó là về vòng tuần hoàn của việc cải thiện liên tục và tinh chỉnh vô tận. Sau cùng thì, chính sự cam kết của bạn với quá trình mới là thứ quyết định sự tiến bộ của bạn.

Nguồn:

  • Chương 1 cuốn Atomic Habits được James Clear phát hành miễn phí,
  • Tham khảo bản dịch của Phương Nam Book,
  • Có hiệu chỉnh ví dụ để phù hợp với ngữ cảnh digital marketing.