Thay vì “vã mồ hôi” tìm mọi cách trì hoãn việc nói về lương mong muốn theo Quy tắc #1 (không tiết lộ con số của bạn trước), bạn cũng có thể “chủ động nói trước và giải quyết sớm” hơn là phải “vòng vo, né tránh câu hỏi về lương” mỗi khi nhà tuyển dụng nhắc đến.
Sau khi bạn đã tạo được một chút kết nối với nhà tuyển dụng và có một cuộc trao đổi về kỹ năng, công việc,… hãy tự nhiên đặt câu hỏi:
“À nhân tiện, anh/chị [tên nhà tuyển dụng], tôi biết bây giờ còn quá sớm để bàn chi tiết về lương, nhưng anh/chị có thể cho tôi một con số sơ bộ về khoảng lương mà công ty đang cân nhắc cho vị trí này không?”
Thực tế, câu trả lời của họ không quan trọng lắm! Đến giai đoạn thương lượng cuối cùng, bạn vẫn có thể đàm phán mức tốt nhất cho mình. Điều quan trọng là bằng cách khiến họ đưa ra con số trước, bạn tránh được việc phải tiết lộ mong muốn lương của mình ngay từ đầu.
Tuy nhiên, cách này có một rủi ro nhỏ: bạn có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quan tâm đến tiền hơn là công việc. Ngoài ra, họ cũng có thể hỏi ngược lại bạn về mức lương mong muốn.
Khi nhà tuyển dụng đã đưa ra khoảng lương, hãy phản hồi một cách khéo léo để giữ lợi thế:
“Cảm ơn anh/chị. Tôi tin rằng nếu tôi là người phù hợp cho công việc này, chúng ta có thể tìm được mức lương hợp lý.”
Sau đó, hãy nhanh chóng đưa cuộc thảo luận trở lại nội dung công việc:
“Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những thách thức lớn nhất mà công ty muốn giải quyết trong vai trò này không?”
“Hãy nói thêm về phong cách quản lý mà công ty mong muốn ở vị trí này.”
…
Những câu hỏi như vậy sẽ giúp nhà tuyển dụng quay lại tập trung vào sự phù hợp giữa bạn và công việc. Đồng thời, cách phản hồi này giúp họ cảm thấy yên tâm rằng họ có thể trả lương cho bạn, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn đã chấp nhận con số họ đưa ra. Bạn vẫn giữ quyền thương lượng về sau 😉
Bạn cũng có thể chọn cách tiết lộ mức lương của mình ngay từ đầu để kết thúc trò chơi “giằng co”. Đây luôn là một lựa chọn. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích cách này.
Nhiều người có xu hướng tập trung vào mặt tiêu cực của việc trì hoãn thảo luận lương và lo lắng:
“Nếu họ bực mình thì sao?”
Nhưng cũng nên nhớ rằng:
“Nếu họ ấn tượng hơn với tôi thì sao?”
Có 1 câu chuyện thật như sau. Trong buổi phỏng vấn nhóm, 1 HR liên tục yêu cầu ứng viên đưa ra mức lương mong muốn. Ứng viên theo quy tắc trên, đã từ chối nhiều lần. Các thành viên trong hội đồng phỏng vấn có vẻ hơi khó chịu. Nhưng sau đó, chính HR quay sang họ và nói:
“Anh ấy đang làm đúng những gì tôi sẽ khuyên ứng viên của mình nên làm trong tình huống này.”
Anh ấy đã ghi điểm khi giữ trọng tâm buổi phỏng vấn vào những giá trị có thể đóng góp, thay vì mức lương mong muốn.
Đừng quá lo lắng về việc làm mất lòng nhà tuyển dụng lúc này. Khi bạn có tư duy đúng, bạn sẽ tự nhiên tìm ra cách trì hoãn cuộc thảo luận về lương một cách khéo léo. Paha cũng sẽ giúp bạn tìm ra phong cách deal lương nào phù hợp với chính mình.
Hình minh họa: TheWokeSalaryMan.com