Quy tắc thương lượng lương 1: Khi nào thảo luận về lương?

Tưởng tượng bạn đang bước vào phòng phỏng vấn, giơ tay chào, mỉm cười, ngồi xuống ngay ngắn… Sau vài câu chuyện xã giao, họ miêu tả công việc đang tuyển dụng. Tiếp theo, họ xem qua CV của bạn và đặt vài câu hỏi về kinh nghiệm và năng lực của bạn. Bạn cố gắng hết sức để thuyết phục họ về độ phù hợp của mình. Đột nhiên, nhà tuyển dụng nhìn thẳng vào mắt bạn và hỏi:

“À, nhân tiện, bạn đang kỳ vọng mức lương bao nhiêu?”

Bạn nên làm gì???

Hãy tuân theo Quy tắc Thương Lượng Lương #1: chỉ có 01 thời điểm duy nhất phù hợp để nói về lương. Và không phải là bây giờ!

Để hiểu rõ hơn, hãy nghĩ về một nguyên lý kỳ lạ nhưng rất thực tế của con người, bao gồm cả nhà tuyển dụng.

Đã bao giờ bạn mua thứ gì mình “không đủ tiền” chưa?

Hãy ngừng lại vài giây với câu hỏi này: “Bạn từng mua một thứ mà bạn nghĩ là mình không đủ khả năng chi trả không?”

Hay hỏi 1 cách khác, liệu có thứ gì bạn “không đủ tiền” nhưng vẫn mua?

Về lý thuyết, câu hỏi này mâu thuẫn: nếu bạn đã mua, nghĩa là bạn đủ tiền để mua. Nhưng trong thực tế, trải nghiệm của bạn cho thấy rằng bạn đã phải “bẻ cong ngân sách” hoặc nỗ lực tài chính để sở hữu nó.

Bạn có iPhone 16 Pro Max không? Bạn có nhà riêng không? Bạn có xe hơi không? Khi mua những thứ đó, bạn có cảm giác rằng mình đủ khả năng chi trả ngay lúc đó không? Hầu hết chúng ta đều trải qua quá trình chuyển từ tò mò, đến thích, rồi muốn sở hữu, và cuối cùng là tìm mọi cách để mua thứ mà trước đó tưởng chừng như nằm ngoài tầm tay.

Quá Trình Bẻ Cong Ngân Sách (Budget Bending)

Quá trình này diễn ra qua 3 giai đoạn lần lượt như sau:

Quá Trình Bẻ Cong Ngân Sách (Budget Bending)

1. Xác định ngân sách (Budget)

Ở giai đoạn này, bạn chia thu nhập thành từng phần như “tiền nhà,” “ăn uống,” và “tiết kiệm,” để duy trì cảm giác kiểm soát tài chính. Nhưng ngân sách thường cứng nhắc và không linh hoạt.

2. Điều chỉnh ngân sách (Fudgit)

Khi mong muốn sở hữu thứ gì đó lớn dần, bạn bắt đầu điều chỉnh ngân sách. Ví dụ:

  • “Nếu tôi ngừng uống trà sữa, tự nấu ăn, hoặc mua đồ giảm giá, thì tôi có thể dành tiền để mua cái mình muốn.”
  • Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn chỉ là điều chỉnh nhỏ và hiếm khi đủ để thực hiện một giao dịch lớn.

3. Định giá lại ngân sách (Judgit)

Đây là lúc mọi thứ thay đổi. Bạn không còn nhìn món đồ đó là chi phí mà coi nó như một tài sản sinh lời. Ví dụ:

  • “Nếu tôi xuống tiền mua một căn chung cư, tôi có thể tiết kiệm được 6 – 7 triệu tiền thuê nhà hàng tháng, và lâu dài thì chung cư cũng tăng giá…”
  • Tương tự, bạn có thể biện minh cho việc đầu tư du học, mua một cái máy tính mới để làm việc, hoặc trả tiền cho 1 phần mềm AI hỗ trợ công việc digital marketing… vì chúng sẽ mang lại lợi ích lâu dài.

Vậy điều này liên quan gì đến lương?

Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức lương quá sớm chẳng hạn như trong lần phỏng vấn đầu tiên, trong đầu họ đang vận hành ở giai đoạn “budget” – với ngân sách cứng nhắc. Nhưng nếu bạn có thể khiến họ thấy rằng kỹ năng của bạn mang lại giá trị lớn hơn mức chi phí, họ sẽ sẵn sàng chuyển sang giai đoạn “fudgit” hoặc “judgit,” nơi ngân sách trở nên linh hoạt hơn.

Vì vậy, đừng vội vàng nói về lương mong muốn. Trước tiên, hãy làm cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một khoản đầu tư đáng giá, giúp họ bẻ cong ngân sách của chính họ.

Ở bài viết sau, bạn sẽ biết cách nghiên cứu và định vị giá trị của mình, cũng như cách điều hướng cuộc thảo luận để đạt được mức lương xứng đáng nhất.