Hầu hết các nhà quản lý đều muốn tuyển dụng những nhân viên có khả năng học hỏi và phát triển trong quá trình làm việc.
Để phát triển, bạn phải biết cách tiếp nhận những lời phê bình và phản hồi một cách chuyên nghiệp. Thậm chí, để làm việc hiệu quả, đôi khi bạn còn cần phải biết tiếp nhận cả những lời phê bình không chính xác hoặc thiếu công bằng mà không để cảm xúc cá nhân chi phối hoặc phản ứng quá mức.
Hãy chọn một ví dụ mà bạn đã tiếp nhận phản hồi mang tính xây dựng một cách tích cực. Tốt nhất là ví dụ đó cũng cho thấy bạn đã cải thiện như thế nào sau khi nhận được phản hồi đó.
Hãy cẩn thận không nêu ra những tình huống quá nhạy cảm hoặc dễ bị hiểu sai (ví dụ: bạn bị kỷ luật vì nghỉ làm để dự đám tang bà ngoại nhưng lại đăng hình tiệc tùng ở biển Phú Quốc – rồi nói rằng bạn “đã rút ra bài học quý giá”).
“Trong vai trò hiện tại của tôi tại một agency Digital Marketing, tôi từng nhận được một phản hồi rất giá trị từ trưởng nhóm. Thời điểm đó tôi mới chuyển từ bên client sang agency nên còn khá thụ động, đặc biệt trong việc đưa ra đề xuất chiến lược cho khách hàng. Tôi thường chỉ làm đúng theo brief và ngại lên tiếng khi thấy có điểm cần tối ưu.
Trong một buổi họp nội bộ, trưởng nhóm nói thẳng với tôi rằng: ‘Em cần chủ động hơn. Khách hàng thuê agency không chỉ để chạy quảng cáo, mà là để được tư vấn giải pháp đúng.’
Ban đầu tôi hơi chạnh lòng vì nghĩ mình đang làm đúng vai trò. Nhưng sau khi suy nghĩ lại, tôi nhận ra lời góp ý đó rất chính xác. Tôi bắt đầu học cách phân tích số liệu chuyên sâu hơn, đưa ra đề xuất rõ ràng ngay cả khi chưa được yêu cầu, và tập trình bày ngắn gọn, thuyết phục hơn trong các buổi họp với khách hàng.
Kết quả là tôi được giao lead những chiến dịch lớn hơn, trực tiếp làm việc với khách hàng cấp quản lý, và dần trở thành người được team tin tưởng mỗi khi cần xử lý các brief quan trọng. Tôi nghĩ bây giờ, một trong những điểm mạnh của tôi chính là khả năng tiếp thu phản hồi, điều chỉnh nhanh và biến nó thành động lực để phát triển.”