Không ai thích nói về thất bại — đặc biệt là khi đang được đánh giá trong một buổi phỏng vấn với nhiều áp lực như xin việc.
Tuy nhiên, cách bạn nói về một thất bại một cách khéo léo và chân thành lại có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao sự trưởng thành, khả năng học hỏi từ sai lầm và tinh thần cầu tiến của bạn. Câu hỏi này cũng giúp họ biết rằng bạn có thể chấp nhận rủi ro hợp lý và học được bài học từ những trải nghiệm chưa thành công.
Điều quan trọng là bạn cần chọn một ví dụ về thất bại mà không làm giảm uy tín chuyên môn hay cho thấy hành vi thiếu chuyên nghiệp.
Hãy chọn một dự án hoặc sáng kiến thất bại vì nhiều yếu tố khác nhau (không chỉ vì bạn), và thể hiện rõ bài học bạn rút ra được từ trải nghiệm đó. Lý tưởng nhất, câu chuyện thất bại của bạn nên thể hiện được một vài phẩm chất tích cực như: chủ động, kiên trì, biết giữ bình tĩnh khi gặp áp lực, hoặc có khả năng xử lý tình huống linh hoạt.
“Trong kỳ thực tập tại một công ty startup chuyên cung cấp phần mềm quản lý khách hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, em được giao nhiệm vụ lên kế hoạch chạy quảng cáo Facebook cho một chiến dịch khuyến mãi lớn vào cuối tháng.
Vì muốn thử nghiệm một hướng tiếp cận mới, em đã đề xuất sử dụng hoàn toàn tệp lookalike audiences thay vì retargeting như chiến dịch trước đó. Em cũng tự tin rằng nội dung quảng cáo mình viết sẽ đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng mới.
Tuy nhiên, kết quả sau 5 ngày đầu triển khai lại không tốt như kỳ vọng: CTR thấp, chi phí mỗi lead cao, và khách hàng không tương tác nhiều với quảng cáo. Sau khi họp cùng mentor và team, em nhận ra rằng em đã bỏ qua bước A/B test trước khi phân bổ ngân sách lớn, và đặt quá nhiều niềm tin vào một tệp đối tượng duy nhất mà không có kế hoạch dự phòng.
Dù chiến dịch không thành công như mong đợi, nhưng em đã học được một bài học rất lớn về việc cần kiểm tra, thử nghiệm và chuẩn bị phương án B trong bất kỳ chiến dịch nào, đặc biệt là khi đang thử điều gì đó mới. Em cũng rút ra được rằng, khi làm digital marketing, dữ liệu và sự linh hoạt trong điều chỉnh chiến thuật là cực kỳ quan trọng. Sau lần đó, em cẩn trọng hơn rất nhiều khi lập kế hoạch quảng cáo.”