(Hãy cho tôi một ví dụ về cách bạn xử lý phê bình trong công việc)
Hầu hết các nhà quản lý đều muốn tuyển những ứng viên có khả năng học hỏi và phát triển trong công việc.
Để phát triển, bạn cần biết cách tiếp nhận góp ý và phản hồi một cách chuyên nghiệp. Trên thực tế, để trở thành một nhân viên hiệu quả, đôi khi bạn cũng cần biết tiếp nhận cả những lời phê bình không hoàn toàn công bằng mà không phản ứng tiêu cực hay cá nhân hóa vấn đề.
Hãy chọn một ví dụ về góp ý mang tính xây dựng mà bạn đã đón nhận một cách tích cực. Những ví dụ tốt nhất là những ví dụ mà bạn không chỉ xử lý được lời phê bình, mà còn thể hiện bạn đã cải thiện bản thân ra sao sau đó.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không chọn những tình huống quá nhạy cảm có thể bị hiểu lầm hoặc khiến nhà tuyển dụng nghi ngại (ví dụ: chia sẻ rằng bạn từng bị kỷ luật sau khi nghỉ làm “vì đám tang bà ngoại” nhưng lại đăng ảnh đi du lịch biển và uống rượu — dù sau đó bạn đã “rút ra được bài học”).
“Trong thời gian thực tập tại một công ty chuyên chạy quảng cáo Facebook và Google cho khách hàng SME, em từng nhận được một lời góp ý khá thẳng từ anh quản lý trực tiếp.
Ban đầu, em khá rụt rè vì còn mới và sợ sai, nên khi họp team brainstorming nội dung, em ít phát biểu ý kiến mà chủ yếu ghi chép lại rồi làm theo. Sau vài buổi họp, anh quản lý nói với em rằng: “Anh thấy em chăm chỉ, nhưng nếu cứ im lặng như vậy thì sẽ rất khó để team hiểu được góc nhìn sáng tạo của em. Làm marketing mà không dám chia sẻ ý tưởng thì rất phí.”
Lúc đó em khá bất ngờ và có phần ngại, nhưng sau khi suy nghĩ lại, em nhận ra lời góp ý đó hoàn toàn đúng. Sau đó em bắt đầu chủ động hơn trong việc chuẩn bị ý tưởng trước họp, ghi lại các insight thú vị từ các chiến dịch quốc tế, và mạnh dạn chia sẻ với team. Dần dần em thấy tự tin hơn và cũng nhận được lời khen khi idea của em được khách hàng chọn triển khai.
Giờ đây, em xem khả năng lắng nghe, tiếp thu phản hồi và điều chỉnh bản thân linh hoạt theo hoàn cảnh là một trong những điểm mạnh của mình.”