Đây là một câu hỏi cực kỳ phổ biến, chắc chắn sẽ xuất hiện trong hầu hết các buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng muốn hiểu lý do bạn theo đuổi cơ hội mới này. Câu trả lời của bạn cần làm rõ:
Tại sao bạn nghỉ công việc trước đó?
Nhà tuyển dụng sẽ để ý xem có “cờ đỏ” nào không — ví dụ như bạn nghỉ việc vì hiệu suất kém hoặc có vấn đề về thái độ.
Trong thị trường lao động hiện nay, việc bị cắt giảm nhân sự (layoff) là chuyện khá phổ biến, nên bạn không cần phải xấu hổ nếu lý do bạn nghỉ là do công ty tinh giản bộ máy. Nếu có thể nhấn mạnh rằng việc cắt giảm là do ngân sách hoặc tái cơ cấu chung (ảnh hưởng đến cả phòng ban hoặc nhóm nhân viên), thì điều đó càng giúp chứng minh rằng hiệu suất làm việc của bạn không phải là nguyên nhân.
Lưu ý quan trọng: Tránh thể hiện sự cay cú hoặc tiêu cực với công ty cũ. Nếu bạn đã nghỉ một thời gian dài, hãy chia sẻ những điều bạn đã chủ động làm để phát triển bản thân như: học thêm, tham gia các dự án freelance, hoặc làm việc tư vấn.
Tại sao bạn muốn rời vị trí hiện tại?
Hãy đưa ra lý do tích cực cho việc tìm kiếm cơ hội mới. Nhấn mạnh rằng bạn đã học được rất nhiều từ công việc hiện tại, nhưng muốn tìm một môi trường có những thách thức mới, cơ hội phát triển mới mà công ty hiện tại chưa thể đáp ứng.
Hãy thể hiện rằng bạn đã suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định này. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn là người có cam kết và đáng tin cậy.
Tránh phàn nàn hoặc nói xấu sếp, đồng nghiệp hay văn hóa công ty hiện tại. Hãy khéo léo và tập trung vào những trải nghiệm tích cực, những gì bạn đã học hỏi được.
“Hiện tại em đang làm Digital Marketing Executive tại một công ty trong lĩnh vực giáo dục. Trong 2 năm qua, em đã có cơ hội triển khai nhiều chiến dịch Facebook và Google Ads, giúp tăng lead chất lượng lên gần 40% so với giai đoạn trước đó, và được cấp trên đánh giá cao.
Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó, em nhận ra mình muốn thử sức với các chiến dịch có quy mô lớn hơn, đa kênh hơn và có cơ hội tiếp cận các công nghệ như CDP, automation hay phân tích dữ liệu chuyên sâu – những thứ mà hiện tại công ty em chưa đầu tư nhiều.
Khi biết đến vị trí này tại công ty anh/chị, em thấy rất hào hứng vì nó vừa đúng định hướng phát triển chuyên môn của em, vừa cho phép em học hỏi thêm từ những người đi trước và quy trình chuyên nghiệp hơn. Em không vội vàng rời công ty cũ, nhưng em thực sự nghiêm túc với mong muốn phát triển nghề nghiệp trong môi trường phù hợp hơn.”
“Em từng làm Digital Marketing Executive tại một công ty startup trong lĩnh vực fintech được gần 3 năm. Em rất trân trọng thời gian đó vì đã học được rất nhiều — từ triển khai quảng cáo chuyển đổi trên nhiều nền tảng đến việc tối ưu phễu landing page và tự lên dashboard đo lường hiệu quả.
Tuy nhiên, đầu năm nay công ty gặp khó khăn về vốn, phải cắt giảm gần 40% nhân sự, và team marketing chỉ giữ lại 1 người phụ trách tổng quát. Việc em nghỉ không liên quan đến hiệu suất, và em vẫn giữ liên hệ tốt với sếp cũ — anh ấy sẵn sàng xác nhận về hiệu quả làm việc của em nếu cần.
Trong thời gian qua, em cũng đã tận dụng thời gian để học thêm về GA4 và chạy vài chiến dịch freelance nhỏ cho người quen để không bị “tụt mood”. Giờ em sẵn sàng trở lại với công việc chính thức và mong muốn tìm một môi trường ổn định, chuyên nghiệp để gắn bó lâu dài.”
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng hiểu được mục tiêu nghề nghiệp và thái độ chuyên nghiệp của bạn. Đặc biệt với ứng viên Digital Marketing, việc thể hiện bạn luôn cầu tiến, có định hướng phát triển kỹ năng, và giữ thái độ tích cực trong mọi hoàn cảnh sẽ là lợi thế rất lớn khi đi phỏng vấn.